Lại cũng từ Cầu Giấy xuôi theo đường Láng đến Ngã Tư Sở chạy theo đường 6 đến thị xã Hà Đông hất qua vùng Quốc Oai, Hòa Lạc bây giờ. Ấy là xứ Đoài. Ở đây trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ giới thiệu vùng đất chạy theo quốc lộ 32 gồm các quận, huyện: Cầu Giấy, Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng và tỉnh Sơn Tây cũ với một phần tỉnh Phú Thọ thôi. Thành cổ Sơn Tây ngày nay là thủ phủ xứ Đoài.
Xứ Đoài vốn có truyền thống lịch sử, văn hiến lâu đời với cảnh vật hữu tình. Ao Vua, Thác Đa, hồ Ngải Sơn, Đồng Mô, Suối Hai, vườn quốc gia Ba Vì, núi Tản Viên, Thành cổ Sơn Tây, ấp xưa Đường Lâm, dãy núi Ba Vì âm vang giàn cồng chiêng, sông sâu dồn tiếng mái chèo khua nước… Xứ Đoài còn trầm tích một vùng văn hóa tâm linh Lạc Việt. Đền Và, chùa Mía, chùa Tây Phương, chùa Thầy, đình Tây Đằng, những truyền thuyết, huyền thoại Sơn Tinh Thủy Tinh, sự tích thần Tản Viên – một trong tứ vị thần bất tử Việt Nam, Bà Man Thiện – người mẹ anh hùng của Hai Bà Trưng, Bố Cái Đại Vương – vua lớn Phùng Hưng… với những bài văn tế thần, lễ nghi cúng bái, lễ hội đền chùa, các lễ hội về Thánh Tản: rước bài vị Thánh qua sông Hồng, mở tiệc cá gỏi làm bằng cá lăng, cá quất dâng lên Sơn Tinh, rước Thánh Tản về tế Đền Hùng… tràn khí thiêng địa linh, nhân kiệt. Khi tìm hiểu về người dân xứ Đoài, người ta thấy tính cách của người dân Xứ Đoài khá bộc trực và ngay thẳng, sống khẳng khái, khoan dung, nhường nhịn, ít háo danh.
Người dân Xứ Đoài nổi tiếng hay làm và cũng rất khéo tay. Con trai xứ Đoài có tiếng là tài hoa, gan dạ và đôi chút thông minh. Con gái xứ Đoài chịu thương chịu khó, giỏi cách làm ăn, chiều chồng và khéo nuôi con. Người dân Xứ Đoài cư xử với tất cả mọi người không phân biệt địa phương, bất cứ người ở đâu cũng đều được quan tâm giúp đỡ theo phương châm “tứ hải giai huynh đệ”. Nói tới Xứ Đoài, người ta không chỉ nhắc tới quê hương của nhiều làng nghề nổi tiếng như gấm và lụa vân Vạn Phúc; lụa, the, lĩnh La Khê; tiện gỗ Nhị Khê; thợ nề thợ mộc làng Chàng; thợ đá ở Hoàng Xá… mà còn nhắc tới đất của những điệu dân ca, nghi lễ dân gian như hát Dô (Quốc Oai), chèo Tàu (Đan Phượng), múa sênh tiền (Phú Xuyên), trống quân (Thường Tín), phường rối Tế Tiêu, Thạch Xá, Chàng Sơn. Sôi nổi hơn nữa là hội hát Chèo Tàu ở bốn thôn của xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, gắn với tục thờ cúng Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử…
Nhiều đời nay, xứ Đoài với vùng lõi thị xã Sơn Tây còn là một vùng văn hóa đặc trưng với hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lề lối sinh hoạt, ứng xử văn hóa mang nét riêng, rất độc đáo. Đó là hệ thống di tích nổi tiếng mà tên gọi đã gắn liền với tên đất và con người Sơn Tây như làng cổ Đường Lâm, đền Và, thành cổ Sơn Tây; chùa Mía – ngôi chùa có nhiều tượng phật cổ nhất miền Bắc, đền Phùng Hưng, đình Mông Phụ, rặng duối 1000 năm tuổi, hơn 200 ngôi nhà cổ bằng đá ong có niên đại từ 100 đến 400 năm…. Đặc biệt, Sơn Tây còn một số giếng cổ mang màu sắc huyền thoại xứ Đoài mà ngày nay nhân dân vẫn lấy nước để sinh hoạt như giếng Chân Voi (phường Quang Trung), giếng Ngõ Bắc, Ngọc Kiên (xã Cổ Đông), giếng Đà Hang (xã Thanh Mỹ), giếng xóm Chim, xóm Sải, xóm Hè, giếng sữa Chuông Sa (xã Đường Lâm).
Mỗi khi nhắc tới Xứ Đoài người ta cảm thấy bịn rịn với những nét xưa, để mỗi người thêm yêu và có trách nhiệm nhiều hơn với văn hóa của vùng đất mà mình đã và đang sống. Chính điều này làm cho văn hoá Xứ Đoài thêm đậm đà bản sắc và tồn tại mãi với thời gian./.
Cách chùa Tây Phương không xa về phía đông là chùa Thầy với sự tích thiền sư Từ Đạo Hạnh và dòng họ Phan Huy nổi tiếng. Cụ tú kép Phan Huy Chú đã để lại cho đời bộ Lịch triều hiến chương loại chí. Ở chùa Thầy còn để lại dấu tích hai cột trò vảy với vết rìu của vị thiền sư. Trước cửa chùa có hai cái cầu Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Các học giả xưa như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú và Quốc sử quán triều Nguyễn đều đánh giá cụ là một nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị, kinh tế, quân sự ngoại giao kiệt xuất. Nói đến xứ Đoài xưa không thể không nhắc đến hai danh thần nổi tiếng làm quan đồng triều là Tô Hiến Thánh quê ở Đại Mỗ và Đỗ Kính Tu quê ở Vân Canh. Đỗ Kính Tu còn được ban quốc tính họ Lý. Ở Vân Canh còn một tôi trung chỉ thờ một chủ thể hiện tinh thần bất hợp tác với triều đại khác là Lý Trần Quán. Ông nhờ người đào huyệt, hạ quan tài xuống, rồi mặc triều phục nằm vào quan tài, đậy nắp lại, đắp đất lên…