KÝ SỰ ĐƯỜNG LÂM – CHÚC THỌ XUÂN 2024

Tạm biệt không khí nhộn nhịp của Tết Làng Việt 2024, Đường Lâm trở lại với nếp sống yên bình vốn có. Chiều 22/1, Đoài cùng 2 hoạ sĩ sinh đôi Quyền – Quý ghé thăm cụ Lịch và cụ Tiềm đầu tiên nhằm chúc thọ và ký hoạ chân dung các cụ, với mỗi người đều là những câu chuyện và cuộc gặp gỡ mang màu sắc riêng.

[Cụ Phan Thị Lịch ]

Chỉ cách Đoài vài bước chân, ngôi nhà nằm ngay đầu làng với gốc cây bưởi trĩu quả bên tường. Cụ Lịch với chiếc khăn choàng nâu kín gió, tấm lưng dần cong theo dấu ấn của thời gian. Với nét mặt phúc hậu, mái tóc trắng mượt mà cùng nụ cười rạng rỡ như không tuổi, cụ ngồi kể về chuyện nghề cũ, kí ức gắn bó hơn 20 năm với trạm y tế cùng thói quen đọc sách thường xuyên đến giờ vẫn giữ. Ngay cả khi buổi ký hoạ kết thúc, sự hân hoan và niềm vui trò chuyện với con cháu vẫn còn lưu luyến trên nét mặt cụ.

[ Cụ Kiều Thị Tiềm]

Cụ Tiềm mang khuôn mặt nhỏ nhắn và hiền hoà. Một nét đẹp nhẹ nhàng tựa như sự bình yên của ngôi làng cổ. Không trò chuyện quá nhiều, cụ lặng yên ngồi nghe câu chuyện vẩn vơ của những người trẻ. Thế nhưng sự cẩn trọng và săn sóc của cụ được thể hiện qua mỗi lần cụ đón khách hay nhắc nhở con cháu về chuyện nhà cửa. Đến tận khi các cháu ra về, cụ vẫn ân cần dõi theo đến khi khuất bóng

[ Cụ Phan Văn Thắng]

Cùng con gái ngồi tại sạp hàng rong bên Đình, cụ Thắng với bộ râu dài cùng dáng người cao gầy, cùng phong thái có phần nghiêm trang của người lính. Ngồi trò chuyện với cụ, người trẻ chúng tôi được nghe kể về một điều xa vời nhưng mang sức ảnh hưởng nặng nề – chiến tranh. Dưới ký ức của một người sống qua thời chiến, từng câu chuyện cụ kể đều là những mảnh ghép quý báu, một góc nhìn rất đỗi “ đời thường” về hiện thực chiến tranh tàn khốc.

Trong gần 1 tiếng ngồi ký họa, chúng tôi được nghe về “mật hiệu” khi tấn công địch, về nỗi lo lắng của những người lính trước giây phút súng lên cò, về sự nghèo nàn dinh dưỡng và căn bệnh quáng gà đeo bám, cùng với rất nhiều câu chuyện thú vị của người lính cụ Hồ. Và đặc biệt thay, trong những câu chuyện nặng trĩu lòng người, cái chết hay bệnh tật được khắc họa trở lên nhẹ nhàng và bâng quơ như thể đang kể về chuyện thường nhật vậy. Có lẽ nếu không có chuyến đi này, người trẻ chúng ta sẽ chẳng hiểu rằng chiến tranh hay mất mát đã gần như thế nào. Tàn tích của chiến tranh vẫn còn hiện hữu qua bóng dáng của cha ông ta, qua lời kể, ánh mắt và ký ức của những người ở lại.

[Cụ Giang Vĩnh Phúc]

Đã nhiều lần trò chuyện cùng cụ Phúc, giờ đây chúng tôi lại dắt nhau qua ngôi nhà cổ ấy. Thế nhưng cái việc được chúc thọ và ký hoạ nhiều khi lại chẳng khiến cụ hân hoan bằng việc được kể về văn hóa và truyền thống của làng. Vậy nên không thể hào hứng hơn, chúng tôi đề nghị cụ kể lại những câu chuyện về mảnh đất Đường Lâm khi đang ngồi vẽ. Đó là những giá trị văn hoá mà cụ đã gom nhặt qua hàng chục năm từ những thế hệ đi trước giờ đã khuất bóng. Cụ kể về văn hóa làng, từ tục phân chia chỗ ngồi mỗi dịp họp làng, đến việc cây đa, giếng nước hay cả về chiếc mõ cá gỗ đặc trưng của làng cổ Đường Lâm. Mỗi câu chuyện cụ thể, là một lần ký ức về làng quê Việt Nam được sống lại trong tâm trí của người trẻ.

[Cụ Hà Văn Soạn]

Cụ Soạn với dáng lưng hơi còng, một tay chống gậy, tay gác sau lưng nom thấp thoáng bóng dáng các bô lão ngày xưa. Đặc biệt hơn cả là chiếc gậy cụ chống nhấp nhô những phần đốt uốn lượn như thể chiếc gậy cổ của các tiên ông. Trong suốt quá trình ký họa, cụ lặng yên và bình thản, ánh mắt có phần đăm chiêu nghe các cháu kể chuyện. Quá trình ký họa cụ Soạn cũng vì thế mà trở lên tập trung và nhanh chóng hoàn thiện hơn cả.

[Cụ Hà Thị Uyên]

Cụ Uyên là vợ của cụ Phúc, cụ có đôi mắt bồ câu như biết cười. Cái hay trong quá trình ký họa cụ là bức thơ tình đầy lãng mạn của 2 vợ chồng được cụ Phúc đọc lên. Mỗi câu thơ được cất lên, cụ Uyên lại bật cười rộn ràng cùng các cháu về những lời văn dí dỏm và gần gũi. Tiếng cười của cụ tươi vui, cùng nét mặt rạng rỡ, mang chút hóm hỉnh của tuổi già khiến người trẻ chúng tôi mường tượng về tuổi trẻ của cụ, hẳn là một cô thiếu nữ lanh lợi pha chút tinh nghịch và tràn đầy sức sống.

[Cụ Nguyễn Thị Thỏa]

Tiếp tục chuyến hành trình tới nhà cụ Thỏa, chúng tôi được đón tiếp bởi cụ và đàn cháu nhỏ lon ton chạy quay. Cụ Thỏa mang nét điển hình của người miền Bắc với khăn chùm đen đính đá cùng áo khoác nâu ấm áp. Nét mặt cụ ngập tràn sự phấn khởi khi các cháu tới chơi. Cụ hào hứng kể về những câu chuyện đời thường từ cái chân đau, đến cô Mây hay tới mời cụ quay phim, kể cả chuyện rặng duối cổ trồng lên để buộc voi cụ cũng kể cho các cháu. Và cứ như vậy, trong suốt buổi ký họa cụ vẫn luôn giữ một nụ cười thật tươi, phối hợp hết mình cùng các họa sĩ để tạo lên những bức tranh ký họa chân dung thật đặc biệt.

[Cụ Lê Thị Sửu]

Trong hành trình cuối ngày tới nhà cụ Sửu, một ngôi nhà mái ngói giản dị với 2 người cháu đang bận rộn thổi cơm. Cụ đón tiếp chúng tôi với chút bất ngờ và vui vẻ mời khách vào nhà. Vẫn là chiếc khăn chùm nâu, ánh mặt cụ đăm chiêu và không trò chuyện quá nhiều, thế nhưng sự nhiệt tình của cụ vẫn có thể thấy rõ qua cách cụ chiêu đãi khách và cả sự phối hợp hết mình cùng các họa sĩ. Cho đến tận những nét vẽ cuối cùng, khi lo lắng cụ mệt khi ngồi lâu, cụ Sửu vẫn hào phóng tiếp tục ngồi đợi những bức tranh được hoàn thành một cách tỉ mỉ.

[ Cụ Phan Thị Oanh]

Vừa tới trước cổng, hiện trước mắt chúng tôi là khu xưởng gỗ của nhà, còn cụ Oanh thì vẫn đang dang dở bữa sáng. Cụ đón tiếp khách một cách cẩn thận và chu đáo, vừa rót chén trà vừa hỏi thăm các cháu. Dù tuổi đã cao nhưng phong thái và ánh mắt cụ vẫn vô cùng tháo vát và nhanh nhẹn. Nhanh chóng để chúng tôi bắt tay ngay vào việc, vừa ký họa cụ vừa căn thời gian sao cho vừa tròn 1 tiếng để kịp cái lịch hẹn công việc. Bởi như cụ nói “ Đã hẹn thì mình phải chuẩn, không thể đi sai làm mất chữ tín”. Trong suốt thời gian ký họa, cụ vẫn tiếp chuyện các cháu từ việc tần tảo nuôi con một mình, đến việc phê phán góc nhìn hôn nhân chóng vánh của nhiều bạn trẻ thời nay.

Một điều đặc biệt ở cụ, cũng như các cụ bà trong suốt hành trình ký họa là việc các cụ vẫn còn rất chăm chút vào vẻ đẹp bên ngoài. Các cụ vẫn lo rằng mái tóc của mình còn rối, chiếc áo khoác còn chưa chỉn chu và sợ tranh vẽ lên mình sẽ trông bị già. Vậy mới thấy, tâm hồn các cụ vẫn còn trẻ, vẫn còn yêu đời và khao khát cái đẹp nhiều lắm.

[ Cụ Hà Thị Phi]

Đến nhà cụ Phi, chúng tôi được giới thiệu về những chum tương ngay ngắn được xếp trong sân. Vốn là một người sạch sẽ, gọn gàng nên những chum tương của cụ cũng được người làng đồn nhau là những hũ tương có hương vị xuất sắc. Cụ Phi mang những đường nét độc đáo tạo cho bức tranh vì thế mà thú vị và thêm phần mới lạ. Đôi mắt to tròn của cụ mang chút đăm chiêu nhưng vẫn thấp thoáng sự tinh tường, đối đáp trôi chảy những câu hỏi của các cháu. Một điều khiến chúng tôi ngưỡng mộ hơn cả, là tình cảm mà 2 vợ chồng cụ giành cho nhau. Trong cái thời tiết lạnh lẽo này, cụ ông vẫn ân cần khoác thêm áo cho cụ bà vì lo ngồi lâu thì bà nhà sẽ lạnh.

[Cụ Phạm Văn Thách]

Buổi chiều, quay trở lại với ngôi nhà cùng những chum tương thơm lừng, chúng tôi lại tiếp tục công việc ký họa đang còn dở dang cùng cụ Thách – chồng của cụ Phi. Cụ Thách có dáng người cao gầy, cùng với chiếc mũ nồi có phần cá tính của thế hệ trước. Hẳn là hồi trẻ, người ta sẽ mường tượng cụ là một chàng thanh niên cao gầy với gương mặt thanh tú cùng phong cách ăn mặc bảnh bao. Đến tận bây giờ, tính cách thoải mái và trẻ trung của cụ vẫn được thể hiện qua cách cụ trò chuyện, cũng như xưng “tớ” với các cháu.

[Cụ Phan Văn Định]

Cụ Định với vóc người đậm, khuôn mặt nghiêm nghị cùng chiếc mũ chùm tai quân đội nom giống các thiếu úy thời xưa. Cũng vì thế mà khi ký họa, chúng tôi đều thấy đường nét cụ thấp thoáng bóng dáng quân nhân. Trong những câu chuyện cụ kể, đâu đó cũng có thể thấy mong ước dành cho các con, các cháu sau này có thể đảm đương sứ mệnh cống hiến cho tổ quốc.

[Cụ Phan Văn Chung]

Trong những giây phút cuối cùng của chuyến hành trình ký họa, chúng tôi được đích thân cụ Định giắt sang nhà cụ Chung – anh trai của cụ. Để ngăn cái lạnh tràn vào, chúng tôi đề nghị được ký họa chân dung cụ trong không gian bếp ấm ấp và gần gũi. Cụ Chung với nét mặt có phần tương tự cụ Định, tuy nhiên ở cụ vẫn toát ra phong thái riêng đầy nghiêm nghị và đĩnh đạc. Trong suốt quá trình làm mẫu, cụ nghiêm trang và ít khi trò chuyện với các cháu. Tuy nhiên công việc vừa dứt, cụ đã nhiệt tình mời chúng tôi thưởng trà và hoa quả nhà trồng. Nếu ví von cụ Định có đường nét của một vị quân nhân thì cụ Chung với nét hào phóng và lỗi hành xử quy củ, lại mang phong thái của nhà quan thời xưa.

Dù tuổi tác đã cao, cụ vẫn tường tận về chuyện làng và cuộc sống xung quanh. Đặc biệt hơn cả, trong khoảnh khắc nhắc về người vợ mới chia xa của mình, nỗi nhớ không nguôi cùng sự thương sót vẫn chẳng thể che dấu qua nét mặt và ánh mắt cụ.

Bức chân dung của cụ Chung là lời kết đánh dấu cho chuyến hành trình “ Đường Lâm – Chúc Thọ Xuân 2024” vỏn vẹn 3 ngày của Đoài, nhằm gửi những lời chúc thọ hiếu kính nhất với các bậc ông bà trong làng. Với một ngôi làng cổ như Đường Lâm, còn rất nhiều các bậc cao tuổi mà chúng tôi chưa thể tới thăm và chúc thọ được hết. Đó quả là một sự đáng tiếc, cũng là động lực để Đoài tiếp tục duy trì và phát triển những hoạt động ý nghĩa góp phần làm đẹp cho cuộc sống nơi đây.

Thông qua cuộc hành trình ngỡ tưởng là tri ân, chúng tôi lại được nhận lại nhiều hơn cả là những câu chuyện, góc nhìn và cuộc sống của một thế hệ ký ức và con người tại mảnh đất Đường Lâm. Chúc cho năm mới, những giá trị tốt đẹp về truyền thống và hiếu kính sẽ được lan tỏa nhiều hơn nữa!

Trả lời

Gọi ngay
Chat với chúng tôi qua Zalo
Facebook Messenger