Trong một chuyến ghé thăm bất chợt tại mảnh đất cổ Đường Lâm, ngoài việc thưởng thức những di sản và cảnh sắc nơi đây, tôi trở lại chốn quen của Đoài – nơi vẫn thường lui tới mỗi độ về chơi. Thế nhưng có 1 điều đặc biệt khiến chuyến đi lắng đọng và thêm phần sâu sắc hơn cả, chính là buổi biểu diễn Kể Chuyện Bằng Rối Bóng của đám trẻ nơi đây
Buổi sáng thứ 7, khi lớp Mỹ Thuật Luly Art của cô giáo Luyến chuẩn bị hoạt động. Cùng tôi còn có một vài anh chị phóng viên của các tờ báo, mọi người đều đang háo hức chờ đợi, xem cái “đám trẻ nghịch ngợm, vờn nhau chạy quanh ngoài vườn kia” sẽ mang tới sân khấu này điều gì đó bất ngờ chăng?
Buổi kể chuyện diễn ra trong không khí ấm cúng và thân mật, đám nhóc quây quần với nhau, vừa thì thầm vừa cười khúc khích. Thế rồi giọng kể non nớt của các em vang lên như tiếng chuông ngân, trong trẻo và sâu lắng. Chiếc đèn khổng lồ trên cao nhẹ đưa, hắt xuống dưới bàn là những khung cảnh bóng đổ phản chiếu câu chuyện “Bà Chúa Mía”. Những chiếc bóng chỉ vừa đủ vẽ lên những đường nét khơi gợi về một câu chuyện cổ tích, phần còn lại của nội dung sẽ thuộc về trí tưởng tượng của mỗi người nghe nơi đây. Câu chuyện kể chỉ độ 10 – 15p, nhưng tôi hiểu rằng, để tạo lên một sân chơi mang cả những giá trị quê hương về nghệ thuật trong đó, sẽ là một hành trình dài và nhiều cố gắng của tập thể mọi người tại Đoài.
Khoảnh khắc bấy giờ tuy ngắn ngủi nhưng mang lại nhiều cảm xúc và suy tư xuyên suốt cuộc hành trình. Rằng liệu những thế hệ trẻ thơ của Đường Lâm, có vì những kí ức, câu chuyện của vùng đất mà thêm yêu quê hương mình. Khi đám trẻ được sống cùng với nghệ thuật và những giá trị văn hóa, có chăng tuổi thơ chúng sẽ được tô thêm những gam màu rực rỡ, hun đúc lên những thế hệ trẻ mai sau cùng nhau chung tay gìn giữ và phát huy những giá trị giàu có và đặc sắc nơi đây!
Nếu bạn có dịp ghé qua Đường Lâm, hãy cùng thử đến Đoài và nghe kể chuyện nhé!